SUY NIỆM CHÚA NHẬT  
  THƯƠNG XÓT VÀ NIỀM VUI  
  CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN - NĂM C  
  Lc 15,1-32  
     
 

Đề tài lòng thương xót của Thiên Chúa rất phong phú, dễ đánh động con tim và tâm tình đạo đức của người tín hữu. Vì thế mà từ khi Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng và cổ võ hình thức cầu nguyện kính Lòng Chúa thương xót, trong Giáo Hội đã có biết bao người tham gia cầu nguyện và thực tế họ đã nhận được rất nhiều ơn lành.

Tuy vậy, trong quan niệm của nhiều người, cầu nguyện tôn vinh lòng lòng thương xót Chúa đi liền với xin ơn chữa lành, cho nên người ta đến cầu nguyện chỉ với mục đích được chữa khỏi bệnh tật, nhất là những bệnh nan y. Có người đã mất đức tin và bỏ cầu nguyện vì họ xin ơn chữa lành mà không được nhận lời. Thực ra, việc tôn kính lòng thương xót của Thiên Chúa không dùng lại ở những lời kinh, mà phải giúp cho con người thương xót tha nhân, tức là thực thi lòng thương xót trong cuộc sống hằng ngày. Nhận ra lòng thương xót của Chúa, mỗi chúng ta cũng phải có trái tim nhân hậu đối với đồng loại, để lòng thương xót như một dòng chảy yêu thương, đem an vui cho mọi người.

Thánh Luca đã tổng hợp ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa ở chương 15. Mỗi dụ ngôn mang một sắc thái khác nhau, nhưng cả ba đều mang nội dung nói về tình thương bao la của Chúa. Trong ba dụ ngôn này, dưới ngòi bút của tác giả, Thiên Chúa rộng rãi bao dung đến mức “phung phí” lòng thương xót. Quả vậy, một con chiên lạc so với 99 con còn lại, một đồng bạc bị mất so với 9 đồng bạc vẫn còn thật chẳng đáng là bao, nhưng Chúa vẫn để ý tới và tìm cho bằng được. Khác với lối suy nghĩ của chúng ta. Nhiều khi chúng ta sẵn sàng bỏ đi những điều nhỏ mọn, nhưng Chúa lại quan tâm đến từng chi tiết.

Việc tìm thấy một con chiên hoặc một đồng bạc, xem ra đơn giản, mà lại là niềm vui lớn lao của người sở hữu chúng. Đó không chỉ là niềm vui của cá nhân, nhưng là niềm vui của cả một tập thể. Đó không chỉ là niềm vui dưới đất, nhưng là niềm vui trên trời. Chúa Giêsu đã nói rõ, một người trở về không chỉ là niềm vui của con người, nhưng là niềm vui của Thiên Chúa và triều thần thánh trên trời. Niềm vui ấy thật lớn lao, làm cho người mục tử quên hết mọi mệt nhọc trong việc tìm kiếm. Cả ba trường hợp, người mục tử, người phụ nữ và người cha, đều mời hàng xóm láng giềng đến để chia vui. Người cha trong dụ ngôn còn thết đãi cả làng với thịt con bê mà ông đã chăm sóc vỗ béo. Ông tin chắc có ngày cậu con trai hoang đàng sẽ trở về. Vì vậy, ông chuẩn bị sẵn nhẫn, giày, quần áo và những gì cần thiết cho một bữa tiệc. Những đồ trang sức này thường được dùng cho một tiệc cưới. Ngày cậu con trai trở về, cũng là một tiệc cưới, là niềm vui không chỉ cho người cha mà cho cả xóm làng. Niềm vui được nhân lên khi được chia sẻ với người khác.

Tuy vậy, niềm vui ấy xem ra không được trọn vẹn, vì theo thói đời, vẫn luôn có những ghen tỵ thù ghét. Đó là tâm trạng của người anh cả. Anh nổi giận vì sự trở về của người em. Có thể anh sợ người em sẽ chiếm gia tài. Lòng thù hận và tư lợi ngăn cản không cho người khác phục thiện. Con đường trở về, vừa phải gạt bỏ những mặc cảm thành kiến, vừa phải đối diện với những thù hận của chính những người thân. Lộ trình phục thiện xem ra đơn giản mà cũng lắm gian truân. Có những người vì lỡ lầm mà sa vào cảnh tù tội, sau khi mãn hạn tù, trở về quê hương muốn sống như một người bình thường cũng không được yên, vì con mắt dò xét và thành kiến của những người xung quanh. Những ngôn từ của người anh cả trong Tin Mừng cho thấy anh đã nung nấu mối hận thù. Anh không còn coi em mình là huyết nhục, mà như người dưng, thậm chí như kẻ thù. Vì thế, việc người em trở về làm cho anh thấy khó chịu.

Thiên Chúa là Cha của người tốt cũng như của người xấu. Ngài xót thương và không giáng phạt dân Do Thái phản nghịch (Bài đọc I). Vòng tay của Ngài vừa giang rộng đón người con thứ, vừa choàng lên vai của người con cả để anh cảm nhận được lòng xót thương. Ngài không muốn loại trừ ai, bất kể người đó như thế nào. Nước mắt của người cha nhỏ xuống khi người con thứ ra đi. Dòng lệ ấy cũng tuôn chảy khi người con cả bất bao dung với em mình. Trước khi trở lại, Phaolô là người hăng say tìm giết các Kitô hữu. Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trên đường đi Damas đã biến đổi cuộc đời của ông Phaolô là chứng nhân của lòng Chúa thương xót (Bài đọc II). Ước chi mỗi chúng ta cũng hãy trở nên chứng nhân của lòng Chúa thương xót, để rồi, “nơi đâu có cộng đoàn tín hữu, là ở nơi đó có thành trì của lòng xót thương” (Đức Thánh Cha Phanxicô).

 

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 
 
 

http://tongiao.oline.fr/